icon icon icon
Phòng 702, Tòa nhà HKC số 285, Đội Cấn, Liễu Giai, Ba Đình, HN Tìm kiếm

Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá – VOIEF 2020

Người đăng: VESA VECOM - 28/07/2020

Sáng ngày 28/07/2020, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng Bộ Công thương và VCCI đã đồng tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai sau 3 năm Diễn đàn được tổ chức đã thu hút 500 đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hoá.

Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định Diễn đàn VOIEF 2020 được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Cũng tại Diễn đàn, Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp – VCCI khẳng định, chuyển đổi số giúp chúng ta vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số.

Phiên đầu tiên của Diễn đàn có chủ đề “Chuyển đổi số với thương mại điện tử qua biên giới” thảo luận về sự liên quan chặt chẽ giữa chuyển đổi số tới XNK hàng hoá, lợi ích từ việc tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, vai trò của website của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Toạ đàm Phiên 1: Chuyển đổi số với thương mại điện tử qua biên giới

Nội dung toạ đàm của Phiên 1 tập trung vào ba chủ đề: 1) Vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động xuất khẩu trực tuyến. Vai trò định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị thực thi, những khó khăn khi chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; 2) Tính cấp bách của chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu để nắm bắt ngay cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); 3) Ứng dụng CNTT để cung cấp trực tuyến C/O nói chung và C/O mẫu EUR.1 theo Thông tư số 11/2020/TT/BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA.

Phiên hai với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số” đi sâu vào chủ đề làm sao để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số không chỉ dừng ở các doanh nghiệp XNK mà phải diễn ra đồng thời ở nhiều cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan. Phiên này nhấn mạnh trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số cần phải chú ý gì tới ba yếu tố cơ bản là nền tảng số, dữ liệu số và website tương thích với thiết bị di động. Đại diện của hai nền tảng số hàng đầu thế giới là Facebook và Google đã cung cấp thông tin về tiềm năng khai thác các nền tảng này cho kinh doanh XNK.

Toạ đàm Phiên 2: Giải pháp chuyển đổi số

Các diễn giả của Phiên hai thảo luận sâu vào các chủ đề: 1) Giải pháp giúp các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu chuyển đổi số như thế nào? Các nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm ra sao tới lĩnh vực này? Những đơn vị trong nước đã triển khai những giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thương mại điện tử qua biên giới? 2) Một số chính sách và pháp luật nổi bật cũng như tính khả thi liên quan tới chuyển đổi số trong lĩnh vực XNK, bao gồm dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương cũng đã khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN tại địa chỉ: www.ECVN.com. Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN sẽ tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương doanh nghiệp khối EU và Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…

Những con số ấn tượng về diễn đàn:

  • 500++ đại biểu tham dự Diễn đàn
  • 12000++ đại biểu tham dự online
  • 100++ cơ quan truyền thông tham dự và đưa tin về sự kiện
  • Quy tụ trên 25 diễn giả từ những thương hiệu uy tín trong và ngoài nước tham gia chia sẻ tại Diễn đàn
  • Hàng triệu người biết tới sự kiện qua các kênh trực tuyến

Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020 do Bộ Công Thương, VCCI và VECOM đồng tổ chức và được thực hiện bởi OSB, ECOMVIET và FADO. Diễn đàn quy tụ nhiều diễn giả uy tín từ các tổ chức trong và ngoài nước như Bộ Công Thương (Cục TMĐT&KTS, Cục XNK, Cục XTTM), Tổng cục Hải quan, VCCI, VECOM, Alibaba, Amazon, Facebook, Google, Hội Tin học, Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu, VLA, USABC, VESA, MBBank, FPT, Hapro, ACCESSTRADE, Fado, OSB… đã đem đến nhiều giá trị thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức quan tâm tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá. Đồng thời, BTC xin gửi lời cảm ơn tới các đơn vị bảo trợ truyền thông đã truyền tải thông tin bổ ích tới cộng đồng doanh nghiệp.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: