icon icon icon
Phòng 702, Tòa nhà HKC số 285, Đội Cấn, Liễu Giai, Ba Đình, HN Tìm kiếm

VECOM tổ chức Hội thảo Phát triển xuất khẩu trực tuyến Việt Nam 2024

Người đăng: Vương Quang Huy - 18/12/2024

Chiều 16/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Access Partnership đã phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển xuất khẩu trực tuyến nhằm thu hút sự chú ý về vai trò ngày càng quan trọng của thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Quang cảnh tại Hội thảo

Tại hội thảo, bà Megan Lim, Giám đốc Chiến lược kinh tế Access Partnership (tổ chức nghiên cứu quốc tế về thương mại điện tử) cho biết, năm 2023, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam đạt 86 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). Dự kiến năm 2028, giá trị này sẽ tăng gấp 1,7 lần, đạt 145,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,8 tỷ USD); trong đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đóng góp 25% vào tổng giá trị này.

Bà Megan Lim - Giám đốc Chiến lược kinh tế, Access Partnership

Hiện tại, các doanh nghiệp MSME Việt Nam có nhiều thuận lợi và cả thách thức trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Vì vậy, trong số các MSME hiện đang hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tham gia khảo sát, 93% khẳng định không thể tiến hành xuất khẩu nếu không thông qua nền tảng thương mại điện tử như Amazon Global Selling, Alibaba hay Ebay.

Trong khi đó, 65% trong số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hơn một nửa doanh số thương mại điện tử B2C của doanh nghiệp, đến từ thị trường nước ngoài và 50% kỳ vọng mức tăng trưởng trên 20% tổng doanh số thương mại điện tử bán lẻ của doanh nghiệp trong 5 năm tới.

Mặc dù lĩnh vực này đang phát triển nhanh chóng, 95% MSME Việt Nam được khảo sát cho biết gặp khó khăn đặc biệt trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. 95% trong số các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho rằng họ thiếu hiểu biết về các quy định nhập khẩu qua thương mại điện tử tại thị trường nước ngoài và mong muốn được trang bị thêm kiến thức về quy định nhập khẩu của các thị trường kỳ vọng lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Chi phí logistics cao, thiếu hụt nhân tài và hạn chế kiến thức về các thị trường nước ngoài là những rào cản lớn khiến các MSME ngần ngại mở rộng đầu tư vào phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới. Xuất khẩu trực tuyến đã trở thành điểm sáng và sẽ đóng góp tích cực vào kinh tế đất nước nếu có chính sách và giải pháp phù hợp.

Ngay từ năm 2015, VECOM đã triển khai các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, từ năm 2017 trở lại đây VECOM đã nhiều lần tổ chức Diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới với các chủ đề cập nhật và tạo dấu ấn lớn. Ngoài ra, VECOM đã thành lập Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến với mong muốn tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến.

Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Tâm - Trưởng Ban hợp tác VECOM đánh giá, Việt Nam chuẩn bị bước qua giai đoạn khởi động của xuất khẩu trực tuyến. Năm 2025 là năm bản lề để từ năm 2026 xuất khẩu trực tuyến bước sang giai đoạn mới – giai đoạn cất cánh.

Điều kiện đầu tiên để có thể chuyển sang giai đoạn cất cánh là các MSME cần chủ động đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, có năng lực sáng tạo phát triển sản phẩm độc đáo và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trực tuyến ở nước ngoài.

Bên cạnh việc xây dựng website hay ứng dụng di động của riêng mình, các MSME nên khai thác các lợi thế từ các nền tảng xuất khẩu trực tuyến tuyến có uy tín trên thế giới để nhanh chóng tiếp cận thị trường toàn cầu.

Điều kiện thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, kinh tế số, logistics, hải quan cần nắm bắt xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này, coi xuất khẩu trực tuyến là một phần quan trọng của thương mại điện tử và đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể, hỗ trợ hiệu quả các MSME xuất khẩu trực tuyến.

Đặc biệt, đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến trong Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 cũng như đưa vào vận hành Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đóng vai trò to lớn.

Ông Darren Ong - Phụ trách quan hệ chính phủ, Amazon Global Selling

Theo thông tin từ hội thảo, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030; trong đó Dự thảo đã đề xuất đưa xuất khẩu trực tuyến là một bộ phận quan trọng của phát triển thương mại điện tử với các mục tiêu, chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp MSME xuất khẩu trực tuyến.

Việc đặt ra mục tiêu tham vọng cho xuất khẩu trực tuyến với hỗ trợ từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp MSME trong nước bắt tay vào đầu tư và phát triển để trở thành thương hiệu toàn cầu.

Trong khi đó, 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: