Ngày 10/04/2025, Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp phối hợp với Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập (Dzungsrt & Associates LLC) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế tại khu vực phía Nam.” Hội thảo tập trung vào hai chuyên đề chính: (i) Chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và (ii) Chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu lên đến 46% đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Ngày 09/04/2025, Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày để đàm phán với các nước, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia, Việt Nam đã phản ứng chủ động và kịp thời. Tuy nhiên, tác động tiềm tàng của việc áp thuế vẫn đáng lo ngại, dù Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tìm giải pháp khắc phục. Việc tạm hoãn áp thuế 90 ngày mang lại cơ hội để Việt Nam: (i) chuẩn bị đàm phán với Mỹ và các nước, (ii) tái cơ cấu nền kinh tế (đối với Chính phủ), và (iii) tái tổ chức sản xuất và xuất khẩu (đối với doanh nghiệp). Dù vậy, đây cũng là một thách thức và cảnh báo, theo các chuyên gia kinh tế.
Doanh nghiệp cần tận dụng 90 ngày này để chủ động phòng ngừa rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và các tranh chấp tiềm tàng từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Các rủi ro bao gồm: (i) rủi ro pháp lý, (ii) rủi ro tài chính, và (iii) rủi ro vận hành, v.v...
Dưới góc độ hợp đồng, việc Mỹ áp thuế 46% thuộc về phạm trù rủi ro pháp lý. Do đó, bên mua có thể viện dẫn các điều khoản hoặc quy định thông lệ liên quan đến rủi ro pháp lý để từ chối nhận hàng, trì hoãn thanh toán hoặc hủy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Như vậy, doanh nghiệp cần triển khai ngay các biện pháp pháp lý nào ngoài các giải pháp kinh tế và ngoại thương? Theo các chuyên gia tại Hội thảo, doanh nghiệp cần rà soát và áp dụng các điều khoản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt chú trọng đến các điều khoản về thay đổi pháp luật, sự kiện bất khả kháng, thay đổi hoàn cảnh, và các điều khoản cho phép đàm phán lại, như điều khoản rà soát, điều chỉnh giá hoặc đàm phán giá cố định. Tất nhiên, còn nhiều điều khoản khác trong hợp đồng cần được chú ý, nhưng các chuyên gia khuyến nghị ưu tiên các điều khoản trên như những bước đi trước mắt.